Ngày cập nhật 12/05/2023
Bánh xèo Nhị Sắc
Bằng sự sáng tạo và những nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, nghệ nhân Lâm Thị Khuya (ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) đã cho ra đời chiếc bánh xèo nhị sắc với diện mạo mới.
Bánh xèo Nhị sắc
Bánh xèo tuy có mặt ở khắp nơi nhưng hơn thua nhau ở sự khéo tay của người làm bánh. Chiếc bánh ngon đòi hỏi nhiều khâu và nghệ thuật đổ bánh sao cho giòn, thơm, đủ hương sắc. Mới đây, nghệ nhân Lâm Thị Khuya đã có sáng kiến sử dụng màu sắc chế biến từ những nguyên liệu thiên nhiên như: nghệ, trái gấc... để sáng tạo ra chiếc bánh xèo hai sắc màu độc đáo và hấp dẫn. Bánh xèo là món ăn chơi, nhưng đòi hỏi dày công không kém. Người làm bánh phải tỉ mỉ trong nhiều khâu, từ chọn nguyên liệu đến kỹ thuật đỗ bánh. Nguyên liệu tươi ngon là một chuyện, bánh phải tráng đều tay, to tròn, giòn rụm, bóng bẩy. Riêng bánh nhị sắc lại công phu hơn, màu vàng óng và sắc đỏ cam phân rõ ràng, không bị hòa lẫn vào nhau, chiếc bánh vì thế cũng đượm chất nghệ thuật và hấp dẫn hơn. Bên trong bánhlại càng kích thích vị giác với nhiều loại nhân khác nhau, chủ yếulàm từ tôm, thịt, cổ hũ dừa, củ sắn, đậu xanh …
Ảnh sưu tầm
Vẫn là chiếc bánh xèo Nam bộ, nhưng bánh xèo nhị sắc khác ở chổ là chiếc bánh trông đẹp và lạ mắt hơn những chiếc bánh xèo truyền thống. Khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được độ giòn rụm của da bánh, vị béo nước cốt dừa, mùi thơm của hành lá, vị ngọt bùi của tôm thịt, rau củ. Bánh được ăn kèm với các loại rau sống, chấm cùng nước mắm chua ngọt tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt.
Ảnh sưu tầm
Món bánh xèo nhị sắc độc đáo này đã giúp nghệ nhân Lâm Thị Khuya đạt được huy chương vàng tại Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ do Cục Văn hóa cơ sở, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ 2019.
Ngọc Lý - TTXTTM -Du lịch & QLDT