Chào mừng ngày Giải phóng Miền Nam và Quốc Tế Lao Động 30/4-1/5, nhằm tri ân khách…
CHÀO MỪNG ĐẠI LỄ - ƯU ĐÃI CỰC MÊ Chào mừng Ngày Giải Phóng Miền Nam 30/4 và Ngày…
Làng Du Lịch Ông Đề triển khai “Khu tham quan Bánh Dân Gian và Trái Cây Nam Bộ”-…

Ngày cập nhật 26/07/2023

DI TÍCH LỊCH SỬ GIÀN GỪA

Trung tâm Xúc Tiến Thương Mại - Du lịch Huyện Phong Điền >> Du lịch văn hóa lịch sử

Di tích lịch sử Giàn Gừa hiện tọa lạc tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 14km.

Trước đây, giàn gừa với cành lá um tùm, rậm rạp, bao trùm trên diện tích khoảng 10.000m², nằm gọn giữa rạch Bà Thợ, mương Ngang, rạch Bàng, kinh Ranh, các kinh này lại ăn thông với nhiều kinh, rạch khác; xung quanh khu vực giàn gừa còn rậm rạp với nhiều cỏ cây, lau sậy, ít nhà dân, ít người lai vãng. Hiện nay, do dân cư đông đúc và nhu cầu phát triển nông nghiệp khu Giàn Gừa đã bị thu hẹp còn hơn 2.700 m².

 

Theo lời kể của 1 số người lớn tuổi của dòng họ Nguyễn ở địa phương: “ Những năm cuối thế kỷ XII nhiều nhóm người từ Sông Tiền di cư đến làng Nhơn Nghĩa khai hoang, lập nghiệp trong đó có ông Cả và 1 số người thuộc dòng họ Nguyễn, đã phát hiện nơi đây có cây Gừa cành lá xanh tốt, lan tỏa trên một diện tích rộng lớn.Một hôm, vùng này chẳng may xảy ra hỏa hoạn giàn gừa bị cháy trơ trụi và cũng từ đó cả làng bổng xuất hiện nhiều bệnh như: biếng ăn, tiêu chảy, ói mửa, tai nạn này kéo theo tai nạn khác khiến con cháu ông Cả Nguyễn bị bệnh chết rất nhiều. Vài tháng sau, có thầy Bảy ở vùng núi Châu Đốc, tỉnh An Giang làm nghề bốc thuốc Nam đến chữa bệnh và khuyên trồng lại cây Gừa thì sẽ thoát khỏi tai ương. Thật vậy, sau khi cây Gừa được trồng lại thì bệnh dịch, tai ương không còn hoành hành, cuộc sống người dân từ đó được bình yên. Do cuộc sống ở vùng đất mới còn nhiều khó khăn, cần có một chỗ dựa về mặt tinh thần, nên họ Nguyễn đã cất ngôi miếu bằng tre lá để thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ dưới tán cây gừa và lấy ngày 28/2 âm lịch hàng năm là ngày Vía Bà.

 

Tại Lễ hội cúng miếu bà Thượng động Cố Hỷ vào ngày 28/02 âm lịch

 

Dựa vào địa hình hiểm yếu, hẻo lánh của khu vực này và giai thoại về Giàn Gừa trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, một số đồng chí cán bộ đảng viên đã cải trang đến đây hoạt động dưới nhiều hình thức. Trong đó, có thấy Bảy làm nghề bốc thuốc nam. Thông qua việc bôc thuốc chữa bệnh nắm bắt được tâm tư, tình cảm của bà con nơi đây, thầy Bảy dần dần tạo được niềm tin trong quần chúng và thiết lập cơ sở cách mạng tại Giàn Gừa.

Khu vực Giàn Gừa nằm gọn ở giữa tứ phía đều là rạch như Bà Thợ, Mương Ngang, Rạch Bàng, Kinh Ranh, các kinh rạch này lại ăn thông với Rạch Sung, rạch Bà Hiệp, rạch Ba Xoài, rạch Chiếc cũng chính vì địa điểm như thế nên trong thời gian chống Mỹ, giàn gừa đã được lực lượng biệt động thị xã Cần Thơ chọn làm địa điểm mở lớp đào tạo, huấn luyện đội: “ biệt động mật” để cung cấp cho các cơ sở nội thành hoạt động, đồng chí Nguyễn Việt Dũng - Thị đội trưởng Thị xã Cần Thơ phụ trách. Khi đội biệt động mật đi vào hoạt động đã đưa các phong trào đấu tranh lên một bước mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang tấn công vào nội ô. Đồng chí Nguyễn Việt Dũng đã được chủ tịch nước CHXHCN VN truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” vào ngày 06/11/1978.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân 1968, lực lượng Thành đội Cần Thơ đã chọn Giàn Gừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược. Từ đây theo con rạch Bà Thợ, bộ đội chuyển vũ khí ra Vàm Rạch Sung, vàm Bà Hiệp đến sông Cần Thơ để tấn công vào cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật của Mỹ - Ngụy tại thành phố Cần Thơ. Giàn Gừa còn là nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp triển khai kế hoạch, Nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy và một số ban ngành của Thành phố Cần Thơ, góp phần làm nên thành công của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Di tích lịch sử Giàn Gừa trải qua thời gian, mặc dù bị chiến tranh bom cày, đạn xới, nhưng cây gừa vẫn giử được nét nguyên sinh với dáng đẹp, tán rộng, nhiều thân, nhiều cành quyện chặt vào nhau tạo thành giàn vững chắc và có sức sống mãnh liệt, gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Cần Thơ nói chung và huyện Phong Điền nói riêng. Bên cạnh đó, nơi đây là địa điểm tổ chức họp mặt nhân kỷ niệm các ngày lễ truyền thống cách mạng của địa phương, nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của bà con nhân dân; nơi giao lưu văn hóa, văn ngệ, nhất là nghệ thuật đờn ca tài tử.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu đó, ngày 05/4/2013 UBND TPCT đã ban hành quyết định số 1225/QĐ-UBND xếp hạng khu Giàn Gừa là Di tích lịch sử của thành phố.

Đồng thời Giàn gừa đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là: “ Cây di sản Việt Nam”. Vào 13/6/2013. Đây cũng là cây di sản Việt Nam đầu tiên tại Đồng bằng sông cửu long được công nhận./.

 

Hương - TTXTTM-DL&QLDT