Nhằm chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn: Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 âm lịch),…
Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Wonderland hứa hẹn sẽ là điểm đến tham quan thú vị dành cho du khách gần xa trong…

Ngày cập nhật 18/09/2018

Phong Điền hướng tới huyện nông thôn mới sinh thái

Trung tâm Xúc Tiến Thương Mại - Du lịch Huyện Phong Điền >> Tin tức

Phong Điền là huyện đầu tiên của TP Cần Thơ và là huyện thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được công nhận huyện nông thôn mới. Phát huy kết quả đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân huyện Phong Điền tiếp tục chung tay, góp sức khai thác lợi thế của địa phương, đưa Phong Điền trở thành huyện nông thôn mới sinh thái.


Tuyến đường liên xã, liên huyện tại huyện Phong Điền
được trải nhựa, trồng hoa cảnh hai bên, tạo cảnh quan sạch đẹp,
trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Phong Điền là huyện đầu tiên của TP Cần Thơ và là huyện thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được công nhận huyện nông thôn mới. Phát huy kết quả đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân huyện Phong Điền tiếp tục chung tay, góp sức khai thác lợi thế của địa phương, đưa Phong Điền trở thành huyện nông thôn mới sinh thái.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến huyện Phong Điền là mầu xanh ngút ngàn của cây trái và sắc mầu rực rỡ của những rặng hoa kiểng khoe sắc dọc các tuyến lộ giao thông liên xã, liên thôn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Phong Điền Trần Thái Nghiêm cho biết: Ngay từ đầu, Đảng bộ huyện đã đề ra định hướng xây dựng Phong Điền trở thành huyện sinh thái, do vậy, bên cạnh việc quy hoạch lại sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những giống cây trồng, vật nuôi chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao, huyện chú trọng bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trong từng căn nhà, góc vườn đến các tuyến giao thông nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp.

Với phương châm đường làm mới tới đâu hoa được trồng tới đó, đến nay huyện Phong Điền đã tạo được diện mạo cảnh quan tươi đẹp, là địa điểm hấp dẫn du khách khi đến TP Cần Thơ. Tuy là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái nhưng trước đây phần lớn người dân trồng theo kiểu vườn tạp, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, người dân Phong Điền vừa bắt tay vào quá trình xây dựng nông thôn mới chưa được bao lâu thì đã phải hứng chịu những cơn lũ lớn tràn về, nhấn chìm hàng nghìn ha đất nông nghiệp. Đảng bộ và nhân dân huyện Phong Điền vừa tập trung khắc phục hậu quả thiên tai vừa xây dựng kinh tế vườn.

Bên vựa dâu Hạ Châu sai trĩu quả, ông Nguyễn Văn Mười, ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái cho biết: Hơn 5 năm trước mưa lớn kéo dài, vườn dâu, sầu riêng hơn 1 ha của tôi bị lũ nhấn chìm, cây cối hư hại nặng, nhiều cây không chịu được nước, thối rễ, chết úng. Sau lũ, cùng với sự hỗ trợ từ phía chính quyền, người dân trong ấp cùng nhau gia cố lại đê bao, bơm tát để nước nhanh rút. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, vườn cây ăn trái của chúng tôi đã được phục hồi. Không chỉ khôi phục kinh tế vườn, hiện nay, ấp nào cũng có đường bê-tông rộng 2,5 m, trái cây bán được giá hơn, việc giao thương hàng hóa thuận lợi hơn trước đây rất nhiều.

Hiện, toàn huyện có hơn 6.300 ha vườn cây ăn trái và 3.400 ha lúa. Xác định kinh tế vườn, trong đó phát triển cây ăn trái là hướng mũi nhọn, từ năm 2011 đến năm 2016, huyện Phong Điền đã cải tạo, trồng mới hơn 2.150 ha cây ăn trái các loại. Qua đó, hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng vú sữa Giai Xuân với diện tích hơn 300 ha, vùng dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái với diện tích hơn 350 ha, vùng nhãn Trường Long xã Nhơn Nghĩa với diện tích hơn 150 ha/vùng, vùng hoa kiểng Tân Thới với quy mô hơn 200.000 chậu/năm, vùng lúa chất lượng cao Trường Long, Giai Xuân với diện tích hơn 300 ha… Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đến nay bình quân thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của huyện đạt hơn 140 triệu đồng/ha/năm. Riêng các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh cho thu nhập đạt từ 150 đến 350 triệu đồng/ha.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Sử cho biết: Cùng với việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Người dân tự nguyện đóng góp gần 305 tỷ đồng (chiếm 14,7% tổng số vốn thực hiện chương trình), hơn 77.000 ngày công lao động. Đây là nguồn lực lớn góp phần đưa Phong Điền trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của TP Cần Thơ.

Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2017-2020, huyện Phong Điền phấn đấu toàn bộ sáu xã trên địa bàn tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, thậm chí nâng tiêu chuẩn nông thôn mới cao hơn, bền vững hơn (theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020). Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Thời gian tới, bên cạnh việc chuyển dịch nông nghiệp theo hướng sinh thái chất lượng cao, từng bước phát triển theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật cao, huyện Phong Điền cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo (nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn); tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

 

 

Bài và ảnh: HUỆ ANH