Chào mừng ngày Giải phóng Miền Nam và Quốc Tế Lao Động 30/4-1/5, nhằm tri ân khách…
CHÀO MỪNG ĐẠI LỄ - ƯU ĐÃI CỰC MÊ Chào mừng Ngày Giải Phóng Miền Nam 30/4 và Ngày…
Làng Du Lịch Ông Đề triển khai “Khu tham quan Bánh Dân Gian và Trái Cây Nam Bộ”-…

Ngày cập nhật 17/05/2023

Phong Điền: Tri ân danh nhân văn hóa - Nhà thơ yêu nước, Cử nhân Phan Văn Trị.

Trung tâm Xúc Tiến Thương Mại - Du lịch Huyện Phong Điền >> Tin tức

Nhân dịp kỷ niệm Lễ giỗ lần thứ 113 của Cử nhân Phan Văn Trị (22/6/1910 - 22/6/2023), Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ vinh dự chủ trì tổ chức Lễ giỗ. Đây là sự kiện được tổ chức trang trọng và dự kiến các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: chương trình nghệ thuật, thi vẽ tranh “Nét cọ tuổi thơ”, triển lãm sách, trưng bày giới thiệu sản phẩm quà lưu niệm… Lễ giỗ diễn ra tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia “Mộ nhà thơ Phan Văn Trị”, ấp Nhơn Lộc 1A, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Dự kiến thành phần tham dự Lễ giỗ gồm Lãnh đạo huyện, các ban, ngành đoàn thể, đông đảo bà con nhân dân huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ; đặc biệt có đoàn Lãnh đạo huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đến tham dự Lễ giỗ Cử nhân Phan Văn Trị.

Tượng bán thân nhà thơ yêu nước, Cử nhân Phan Văn Trị (1830 – 1910)

Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị sinh năm Canh Dần (1830) tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Năm Kỷ Dậu (1849), cụ thi Hương và đỗ Cử nhân, từ đó mọi người quen gọi là Cử Trị. Năm 1968, Phan Văn Trị về làng Nhớn Ái, Phong Điền thuộc tỉnh Cần Thơ trú ngụ, tiếp tục mở trường dạy học và sáng tác thơ văn chỉ trích bọn quan lại “mãi quốc cầu vinh”, đồng thời ca ngợi sĩ khí của các nghĩa quân, sĩ phu yêu nước. Tại đây, Cử nhân Phan Văn Trị kết hôn với bà Đinh Thị Thanh, người con gái đoan trang của làng quê Nhơn Ái.

Sáng tác thơ ca của Phan Văn Trị hầu hết bằng ngôn ngữ dân tộc, mang tính chất bình dân và đại chúng rõ rệt. Điểm nổi bật trong thơ của Phan Văn Trị là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương dân, phân biệt bạn thù dứt khoát. Tiêu biểu là cuộc bút chiến quyết liệt với Tôn Thọ Tường – một nhân vật điển hình cho bọn trí thức cơ hội làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp. Bằng những vần thơ đanh thép, Cử nhân Phan Văn Trị đã đánh thẳng vào Tôn Thọ Tường những đòn đích đáng:

“Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ

 Lòng ta sắt đá há lung lay”

Hay ông đã dùng lời lẽ khinh miệt để nói về tên bán nước Tôn Thọ Tường:

“Thân danh chẳng kể thiệt thằng hoang!”

Đây là cuộc bút chiến được xem là có một không hai trong lịch sử văn hóa cận đại. Cử nhân đã sử dụng thơ của mình như một vũ khí vô cùng sắc bén. Ông thực sự là một nhà thơ - chiến sĩ, xứng đáng là một trong những lãnh đạo tinh thần trên mặt trận đấu chính nghĩa nhân dân Nam bộ vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất (ngày 22/6/1910 dương lịch), nhà thơ yêu nước - Cử nhân Phan Văn Trị đã yên nghỉ tại làng Nhơn Ái, Phong Điền trong một ngôi nhà lá đơn sơ như tấm lòng thanh bạch của cụ, để lại biết bao niềm thương tiếc trong nhân dân. Nơi an nghỉ của Cử nhân Phan Văn Trị luôn được nhân dân địa phương tôn tạo, gìn giữ qua các thế hệ. Vào năm 1991, Mộ Nhà thơ Phan Văn Trị được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.

Năm 2005, nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài thành phố, UBND huyện Phong Điền tiếp tục đầu tư kinh phí để trùng tu di tích với quy mô lớn hơn, trên diện tích rộng 2.060 m2 , bao gồm các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, phần mộ, cuốn sách và các bia đá (trên có ghi lại những câu thơ nổi tiếng của Cử nhân Phan Văn Trị), ao sen, cây kiểng, nhà chờ…                        

                                                                     Tin, ảnh: Thiên Tâm - TTXTTMDL&QLDT