Ngày cập nhật 23/03/2023
Về tham dự Lễ hội cúng Bà Thượng Động Cố Hỷ ngắm Giàn Gừa khổng lồ
Hằng năm, ngày 28 tháng 02 âm lịch tại di tích lịch sử Giàn Gừa, ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ hội cúng Bà Thượng Động Cố Hỷ.
Cổng di tích lịch sử Giàn Gừa,
ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Tp.Cần Thơ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược, đặc biệt từ năm 1961 – 1965 Giàn Gừa là nơi đào tạo, huấn luyện “đội Biệt động mật” do đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Thị đội trưởng Thị xã Cần Thơ phụ trách. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân 1968, lực lượng Thành đội Cần Thơ đã chọn giàn gừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược. Từ đây theo con rạch Bà Thợ, bộ đội chuyển vũ khí ra vàm Rạch Sung, vàm Bà Hiệp đến sông Cần Thơ để tấn công vào cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật của Mỹ-ngụy tại TP Cần Thơ. Giàn gừa còn là nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp triển khai kế hoạch, Nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy và một số ban ngành của TP Cần Thơ, góp phần làm nên thành công của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Với những giá trị lịch sử, vào ngày 05 tháng 04 năm 2013 UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định số 1225/QĐ-UBND xếp hạng khu Giàn Gừa là Di tích lịch sử của thành phố.
Cũng nhân dịp lễ hội, Trung tâm Xúc tiến, Thương mại – Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Điền phối hợp với các trường học tổ chức đưa học sinh tham quan, tìm hiểu về giá trị lịch sử tại di tích lịch sử Giàn Gừa; đồng thời Trung tâm mời nghệ nhân, kỷ lục gia thư pháp Đào Thị Cẩm Sương tổ chức hoạt động tặng chữ Thư pháp cho bà con khi đến tham dự lễ hội. Đây cũng là lần đầu tiên hoạt động tặng chữ thư pháp được tổ chức thực hiện trong dịp diễn ra lễ hội. Lễ hội thu hút khoảng 12.500 lượt khách đến tham dự.
Trường TH Thuận Hưng 1, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ
tham quan, trải nghiệm tại di tích lịch sử Giàn Gừa.
Nghệ nhân, kỷ lục gia thư pháp Đào Thị Cẩm Sương tặng chữ Thư pháp cho du khách trong dịp diễn ra Lễ hội.
Ảnh, bài viết: Thiên Tâm