Ngày cập nhật 04/02/2020
Về với miệt vườn
Trong cuốn “Văn minh miệt vườn”, nhà văn Sơn Nam ca ngợi: “Miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sanh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long”. “Ông già Nam bộ” không ít lần tả cảnh miệt vườn Phong Điền, Cần Thơ với nét cẩm tú, sung túc. Tết này, về với miệt vườn để tìm nếp xưa ngày cũ, câu chuyện người Phong Điền lên liếp làm vườn và những thảo thơm.
Tác phẩm Đỗ Tiến Vững chụp cảnh đại gia đình mình cùng sum vầy gói bánh tét ăn Tết. Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngày cuối năm, trong căn nhà cặp Lộ Vòng Cung, ông Lê Quang Bảy (tự Bảy Ngữ) bưng dĩa dâu Hạ Châu cuối mùa và dĩa trái cây mới hái từ vườn nhà dâng tiên tổ, chấp tay khấn nguyện: “Kính thỉnh ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Lòng thành có ít trái cây do ông bà gây tạo, con cháu vun trồng, kính thỉnh ông bà hưởng dùng”.
Mấy chục năm rồi nhà ông Bảy Ngữ vẫn giữ lệ cũ: mâm cơm cúng ông bà phải có dĩa dâu Hạ Châu và trái cây sau vườn. Đằng sau nghĩa cử hiếu để là câu chuyện miệt vườn. Cha ông Bảy Ngữ là ông Lê Quang Dực, đã mang cây dâu về xứ sở này, gọi là dâu miệt dưới. Người sau đặt mỹ danh Hạ Châu cho đặc sản Phong Điền. Trong mấy mảnh vườn trồng dâu, ông Bảy Ngữ thương nhất là vườn dâu cổ bên bờ Rạch Chuối. Đó là những gốc dâu 50-60 năm, do chính tay cha ông gây tạo, vun trồng.
Ông Bảy Ngữ Tết này 77 tuổi, còn mạnh dạn và nhanh nhẹn. Mỗi sáng ông đạp xe tới chợ Phong Điền uống cà phê, sau đó đi làm vườn. Là một cựu giáo chức, lại ham thích tìm hiểu nên ông Bảy Ngữ rành chuyện miệt vườn. Ông kể, thời ông nội ông làm vườn từ khoảng năm 1900 trở về trước, vùng đất này chưa thực sự là miệt vườn và kỹ thuật lên liếp làm vườn cũng chưa rõ nét. Nhà có đôi trâu, người Phong Điền lấy đất mặt cho trâu cộ để đắp mô trồng cây. Dần dà chỗ trồng cây thì càng cao mà đất mặt ngày càng trũng. Người Phong Điền lại thấy cái hay của cây trồng mô cao, chỗ trũng lại có cái hay riêng khi dẫn nước vào vườn và sâu hơn nữa thì đẩy xuồng vào mà chở trái. Kỹ thuật lên liếp ra đời một cách tự nhiên như vậy. Theo lời lão nông Bảy Ngữ, thời trước đây, Phong Điền từng nức danh với trái quýt đường, do ông nội ông góp công đem giống từ Sài Gòn về gây tạo, từng xuất khẩu qua Pháp. Rồi sau này lại có cam mật Phong Điền, bây giờ thêm dâu Hạ Châu.
Chuyện ông Bảy Ngữ kể cho thấy, người Cần Thơ xưa nhanh nhạy và trí tuệ để kiến tạo danh xưng miệt vườn cho riêng mình. Để rồi như một thương hiệu, người miệt vườn, đất vườn, công tử vườn, về vườn… là cả nỗi tự hào. Nghe tôi nói vậy, ông Bảy Ngữ cười khà khà và thốt ra câu nói đúng chất người miệt vườn: “Chú em nói chí phải!”. Ông Bảy nói tiếp bằng giọng cao hứng: Thời trước, con trai miệt vườn thì dễ lấy vợ. Người Phong Điền đều thuộc câu ca:
Chuồn chuồn bay thấp
Mưa ngập ruộng vườn.
Nghe lời nói lại càng thương.
Thương em, anh quyết lập vườn cưới em.
Rõ ra, lập vườn là lập nghiệp và đó như một bảo chứng về sự chững chạc, lập thân của người đàn ông miệt vườn. Ông Bảy Ngữ chỉ tay qua bên kia sông Cần Thơ trước mặt nhà ông: “Xéo xéo bên kia sông là nhà gốc của ông Điêu Huyền, soạn tuồng “Tiếng hò Sông Hậu” đó”. Ông Bảy Ngữ còn mê mấy câu hò Sông Hậu:
Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái.
Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba.
Mặc pi-ja-ma khăn bàn choàng cổ.
Thấy em gái Ba Xuyên ngồ ngộ muốn cùng ai thổ lộ đôi lời.
Cấy cày cực lắm em ơi,
Theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no.
Nét đẹp truyền thống trưng bày cây trái, hoa kiểng vườn nhà để dâng cúng Tổ tiên dịp Tết. Ảnh: DUY KHÔI
Nhắc trai Nhơn Ái, lại nhớ câu “Trai Nhơn Ái, gái Long Xuyên”, với nhà văn Sơn Nam, đó là lời ca ngợi “hết sảy” dành cho dân miệt vườn. Ông kể trong “Nói về miền Nam”: “Nhơn Ái là vùng Phong Điền nổi danh về vườn cam, vườn quýt ở rạch Cần Thơ, với nhiều nho sĩ, nhứt là dân trung lưu và bình dân ăn nói lễ phép, lưu loát, biết hát biết hò, nơi sông sâu nước ngọt với chiếc tam bản hai chèo hoặc bốn chèo”.
Lời người xưa đưa tôi theo chân Đỗ Tiến Vững - chàng trai chưa đầy 30 tuổi, tay nhiếp ảnh trẻ của Cần Thơ - để tìm về một đại gia đình miệt vườn Nhơn Ái, Phong Điền. Vững là dân miệt vườn, dù không “lập vườn” nhưng cũng rất thành đạt. Về tới nhà, anh khoanh tay thưa từng người. Hay tin có khách tới chơi, cả gia đình tụ họp về đủ cả. Đó là đại gia đình gồm 6 chị em gái, mẹ Vững là dì Út An, Tết này đã 60 tuổi. Nhìn 6 chị em ngồi nói chuyện dễ thương lắm, họ dạ vâng, dù ai cũng đã lên chức bà. Sáu chị em nhà gần nhau nên sớm chiều lại tụ họp bàn chuyện nếp nhà, cháu con.
Dì Năm Bê, dì của Vững, đang ở nhà từ đường, kể rằng, bà ngoại có 10 người con, cậu Hai mất từ nhỏ, 3 cậu khác đã hy sinh vì Tổ quốc, còn lại 6 chị em đùm bọc nhau. “Bà ngoại là Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia phong mình phải giữ”, dì Năm Bê nói. Tiến Vững vẫn thường kể cho tôi nghe chuyện đại gia đình bằng cả niềm tự hào. “Chàng trai công nghệ” này kể về bữa 30 Tết, anh em, con cháu tụ họp về nhà, cùng nấu mâm cơm cúng ông bà. Thế hệ các anh em của Vững, nhiều người thành đạt lắm, nói theo kiểu dân gian là “bác sĩ, kỹ sư, ông này, bà nọ đủ hết”. Vậy nhưng khi về với mái nhà chung, họ vẫn xắn tay làm gà, lặt rau, phụ bếp. Anh em nhà Tiến Vững ý thức rằng, về với gia đình là về với nguồn cội. Ở đó có nhân nghĩa làm nên cốt cách của một con người. Người miệt vườn Phong Điền luôn xác tín điều đó.
Ông Bảy Ngữ bên liếp vườn của mình. Ảnh: DUY KHÔI
Phong Điền thời 4.0, những mái nhà miệt vườn có đời sống chẳng cách xa thị thành. Duy có điều không đổi, là phẩm hạnh được trui rèn qua hàng trăm năm vun trồng trái ngọt. Phải vậy chăng mà về Phong Điền, lại nghe những địa danh đằm sâu văn hóa: Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái, Mỹ Nhơn, Mỹ Phước… Dịp Kỳ yên nào tôi cũng về Đình làng Nhơn Ái. Lễ khai sắc nghe vang vang giọng Chánh tế đọc toàn văn Sắc Thần được Vua phong từ năm 1852, tứ ân cho dân làng: “Quảng Hậu - Chánh Trực - Hữu Thiện - Đôn Trang”. Đó là những đức tính của người miệt vườn đã đi vào sử sách; bây giờ vẫn được tiếp nối, chắt lọc và lan tỏa.
DUY KHÔI- Báo Cần Thơ